Cha đẻ của font chữ bị ghét nhất thế giới vẫn dành tình yêu mãnh liệt với đứa con cưng và còn đưa ra lời khuyên

Dù Comic Sans MS được coi là font chữ đáng ghét nhất thế giới, nhà thiết kế Vincent Connare vẫn tự hào về sản phẩm con cưng và chia sẻ nhiều thông tin thú vị xung quanh mẫu chữ này.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, nhà thiết kế Vincent Connare cho biết ông rất tự hào về “đứa con cưng” Comic Sans MS. Font chữ dạng sans-serif này được Microsoft giới thiệu vào năm 1994.

Cựu nhân viên Microsoft, ông Vincent Connare là người thiết kế ra font chữ bị ghét nhất thế giới

Nó dành cho những người mới làm quen với máy tính và thành công cùng phân khúc này. Tuy nhiên, phần đông lại sử dụng nó sai ngữ cảnh: Nếu không hiểu rõ ý nghĩa của phong cách thiết kế, nó sẽ không đạt hiệu quả tốt nhất”, ông nói.

Có lần tôi nghe một người tham gia triển lãm của Rothko nói rằng: ‘Tôi có thể làm được điều đó’. Anh ta rõ ràng chẳng biết gì về nghệ thuật cả. Có lẽ, vì thế anh ta sẽ dùng Comic Sans không đúng trong nhiều hoàn cảnh”.

Logo các công ty, tổ chức và tên phim được viết bằng font Comic Sans

Comic Sans là một font mặc định trong thư viện của Microsoft khi ra mắt cùng hệ điều hành Windows 95. Nhưng điều đó không đồng nghĩa mẫu chữ này thành công rực rỡ. Lúc đầu, Comic Sans được thiết kế cho gói phần mềm truyện tranh Rover bởi hình ảnh chú chó xuất hiện cùng font Times New Roman tỏ ra không hợp với ngữ cảnh.

Hướng tới phong cách truyện tranh và cho trẻ em, Connare đã thiết kế Comic Sans dựa trên nguồn cảm hứng từ những font chữ trong bộ truyện Watchmen và The Dark Knight Returns có ở văn phòng.

Tôi không cố tạo ra những đường thẳng, tôi cũng không làm mọi thứ theo chuẩn mực nào cả, bởi vậy mà tôi thấy thật thú vị. Tôi đã phá bỏ mọi quy tắc in ấn thông thường”, ông trả lời tờ The Guardian.

Tranh biếm họa về Comic Sans

Chính việc được đặt mặc định trong Microsoft Publisher và Internet Explorer khiến làn sóng phản đối Comic Sans trở nên rầm rộ hơn. Do mức độ phổ biến rộng rãi khiến nhiều người sử dụng Comic Sans cho những trường hợp mang phong cách trang trọng, trái ngược với ý nghĩa thực sự của nó khiến cộng đồng thiết kế ngày càng “ghét cay ghét đắng” sản phẩm của Connare. Tới mức, năm 1999, phong trào “Ban Comic Sans” được hai nhà thiết kế Dave và Holly Combs khởi xướng để tỏ rõ thái độ này.

Một nhóm có tên Ban Comic Sans đã được thành lập để dạy mọi người cách dùng các mặt chữ cho phù hợp. Họ gửi mail cho tôi để hỏi liệu việc làm này có OK hay không. Nó dường như ngớ ngẩn nhưng tôi đã trả lời các anh cứ tự nhiên,” Connare cho biết.

Vincent Connare vẫn dành tình cảm mãnh liệt cho font chữ con cưng của mình

Các nhà thiết kế dù đồng ý Comic Sans là mẫu thiết kế phù hợp cho trẻ em và sản phẩm truyện tranh nhưng cho rằng nó không nên dùng trong môi trường doanh nghiệp.

Tuy nhiên, làn sóng phản ứng giờ đã dịu đi. “Ngày càng có nhiều người đến nói với tôi rằng họ yêu mẫu font đó,” ông chia sẻ. Thậm chí, một dự án nhằm ‘bảo vệ’ cho Comic Sans đã xuất hiện trên Tumblr.

Connare thú nhận rằng ông chỉ mới sử dụng Comic Sans đúng một lần. Đó là khi ông gặp khó trong việc thay đổi băng thông nên đã viết một lá thư dùng font chữ này gửi tới Sky.

Tôi được hoàn trả 10 bảng Anh. Trong những trường hợp như vậy, tôi muốn nhân tiện giới thiệu về mẫu font của mình. Nguyên tắc cơ bản là hãy ‘chửi như không chửi’, đừng dùng lời lẽ khó chịu mà hãy để Comic Sans nói thay bạn,” ông nói.

Cern từng dùng font Comic Sans để công bố nghiên cứu hạt Higgs

Tuy nhiên, nhà quản lý Tom Stevens tại Microsoft vẫn thừa nhận, font chữ đã bị lạm dụng quá đà trong nhiều trường hợp. Ví dụ như khi Cern công bố khám phá về “hạt của Chúa” Higgs. Giới thiết kế cảm thấy bị xúc phạm và hạt Higgs nhanh chóng trở thành chủ đề đàm tiếu trên Twitter, không chỉ bởi tính chất lạ kỳ của nó mà còn vì cách chọn font chữ cho một thông báo quan trọng như vậy.

Phản ứng dữ dội, tận cùng của nỗi căm ghét, tất cả đều thật tuyệt vời, và thậm chí khá là hài hước. Tôi không tin chắc mọi người có thể dần dần đơn giản hóa vấn để để xem nó như một font chữ bình thường”, Connare nói.

Comic Sans vẫn tiếp tục gây ra chia rẽ và tranh luận trên mạng. Thật thú vị về font chữ được coi là đáng ghét nhất thế giới.

Nguồn: Genk